Tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm và tình làng nghĩa xóm không chỉ được thể hiện bằng số lượng đông đảo bà con nông dân cùng nhiều thành phần xã hội khác đến dự xem và cổ vũ mỗi lần gameshow được thực hiện… mà còn nằm ở cách các diễn viên chân đất đã dốc cạn bầu nhiệt huyết tạo nên những sản phẩm tinh thần mang ra thi thố tại sân chơi.
Có lẽ sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo các địa phương đăng cai cũng như tinh thần chơi hết mình của bà con nông dân là yếu tố quan trọng làm nên thành công của sân chơi “Quê mình xứ Quảng”.
Ông Vũ Văn Thẩm - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh khẳng định: “Là người đồng hành cùng “Quê mình xứ Quảng” ngay từ những số đầu tiên cách đây 7 năm, tôi cho rằng nếu nói về việc kiến tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích, hấp dẫn mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho người nông dân Quảng Nam, thì sân chơi này đảm bảo được hầu hết các yếu tố đó.
Nhìn cách bà con say sưa ca hát, tưng bừng qua từng trò chơi…, chương trình góp phần đáng kể làm sống lại không khí hội hè làng quê, khôi phục các giá trị đặc sắc của văn hóa - văn nghệ và làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một”.
Tam Phước là địa phương khởi động gameshow mùa thứ 7. Hai đội chơi Mỹ Thành Khê và Phú Điền Tân (Tam Phước) đã khéo léo đưa quả dưa hấu vào từng lời ca, câu hát, trưng bày sản phẩm, dùng hình tượng quả dưa hấu làm đạo cụ minh họa… tạo sự lan tỏa giá trị của loại cây trồng này trên vùng đất phì nhiêu Tam Phước.
Tiếp sau ấn tượng quả dưa hấu Tam Phước là màn trình diễn độc đáo của thương hiệu gốm Thanh Hà trong gameshow "Quê mình xứ Quảng". Nghề gốm Thanh Hà một thời hưng thịnh trên bến dưới thuyền, và nay gốm đang được khôi phục tạo thành một sản phẩm du lịch được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Vì vậy, gốm đã được đưa lên sân khấu, được tạo hình, tạo dáng và được nhào nặn, tạo tác để có hình hài, dáng vẻ… trong hầu hết phần thi của sân chơi.
Ngay ở phần thi đầu tiên, gốm Thanh Hà xuất hiện trong từng lời ca, điệu múa, thể hiện trọn vẹn câu chuyện của làng nghề tồn tại ngót 500 năm lịch sử. Gốm Thanh Hà trong hai tiết mục “Vui cùng nhà nông” của hai đội thi có tên gọi: Gốm đỏ và Đất nung. Gốm đưa người xem về miền xưa cũ nơi trên bến dưới thuyền tấp nập kẻ bán người mua…
Là người viết kịch bản cho hai đội chơi Gốm đỏ và Đất nung, nhà thơ Phùng Tấn Đông, một người con của đất Nam Diêu - Thanh Hà chia sẻ: “Thanh Hà là một làng gốm thủ công hiếm có ở đất Quảng, có sản phẩm lâu đời và hiện góp phần rất lớn trong hoạt động du lịch địa phương. Do đó, việc xây dựng nên những tiểu phẩm sân khấu cho sân chơi "Quê mình xứ Quảng" để giới thiệu về những sắc màu của gốm, câu chuyện dài về đời người, đời gốm… là điều thú vị để nông dân làng gốm Thanh Hà góp mặt trong không khí hội hè, trong câu chuyện gìn giữ những giá trị tốt đẹp của cha ông…”.
Nếu ở vùng đồng bằng, gameshow "Quê mình xứ Quảng" mùa thứ 7 tạo ấn tượng bằng các thương hiệu làng nghề, thì ở miền trung du và miền núi, sân chơi cũng tạo nên sự hấp dẫn riêng có của mình bằng những sắc màu địa phương không trùng lặp. Sự lắng đọng trong lời ca, tiếng hát thể hiện ở hình ảnh người nông dân ban ngày mải miết với ruộng đồng, vườn tược…, nhưng đêm về tìm niềm vui trong lời ca, tiếng hát, điệu hò quê xứ ở những câu lạc bộ dân ca bài chòi.
Chính niềm say mê vốn quý văn hóa - văn nghệ dân gian, yêu vẻ đẹp chân chất bình dị của những nông dân quê kiểng, đã góp phần làm cho câu chuyện "Quê mình xứ Quảng" thêm hấp dẫn.
Đến với xã Đại Nghĩa (Đại Lộc), chứng kiến những màn tranh tài hấp dẫn giữa hai đội chơi thôn Phiếm Ái và Đại Phú, người xem không khỏi bất ngờ bởi kỹ năng gói bánh rò khéo léo, tạo nên hình hài xinh xắn cho những chiếc bánh của người dân địa phương để bày biện dâng cúng trong những dịp lễ, tết cổ truyền.
Hai đội chơi Tuy Hòa và An Phú, xã Bình Sơn (Hiệp Đức) đã trình diễn những sắc màu dân ca bài chòi, hòa mình vào câu chuyện sản vật quê hương với dừa, bưởi, chanh, mít, tiêu chè… Những dấu ấn để lại ở những phần thi vui cùng nhà nông, khéo tay giỏi nghề: trộn gỏi bưởi, nhà nông đua tài: thi hái bưởi, chuyển bưởi về làng hay bóc vỏ dừa…
Còn đến với hai đội chơi Trung Thành và Tịnh Sơn, xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) là đến với một vùng núi non mây bay bảng lảng mỗi sớm chiều, nơi có sản vật nếp bầu nổi tiếng. Sự khéo léo là hai đội chơi đã đưa những sản phẩm đặc trưng của quê mình vào sân chơi như là cách để họ chứng minh thành quả lao động, sáng tạo không mệt mỏi.
Và, cuộc lưu diễn "Quê mình xứ Quảng" mùa thứ 7 trên mảnh đất Quế Hiệp (Quế Sơn) cũng vừa khép lại. Người dân 2 thôn Lộc Thương và Trung Hạ (Quế Hiệp) sinh sống trên mảnh đất lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra đồng xanh mênh mông đã chuẩn bị khá kỹ càng cho ngày thi thố tài năng. Đó là cuộc thi gói bánh tét tro truyền thống, là trò chơi đổ nén hạt vào chai hay “Vận chuyển nếp hạt bằng đĩa và đóng vào túi OCOP”, hay trò chơi tay không bắt lươn đồng…
Bảy mùa “lưu diễn” trôi qua không phải là dài, nhưng cũng đủ để kiểm chứng giá trị thực tế của một gameshow truyền hình và khát vọng mang truyền hình đến gần hơn với người dân trong thời đại công nghệ số, làm phong phú đời sống tinh thần của người nông dân xứ Quảng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn